Đương đầu cuộc sống
Khi lên ba tuổi thì Alison Lapper được đưa ra biển chơi cùng những đứa trẻ tàn tật khác ở Trường từ thiện Chailey Heritage mà cô bé đang được nuôi nấng. Đấy là một trong những lần hiếm hoi mà cô bé xuất hiện ở nơi công cộng.
Nhưng khoảnh khắc ấy đã hằn sâu trong trí óc non nớt của cô bé. Những người đi nghỉ trên bãi biển đã phản ứng ngay tức thì với nhóm khách mới: họ quay mặt đi và đưa bầy con trẻ của mình ra xa. Tất cả diễn ra trong vòng chưa đầy năm phút.
Có những người mang nặng mặc cảm khuyết tật cả đời. Nhưng ấn tượng khó phai trên bãi biển lần ấy đã khiến Alison quyết định phấn đấu. Đúng hơn là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ với những bất công đè nặng lên cuộc đời cô bé.
Alison chào đời không có tay và đôi chân ngắn cũn cỡn. Các bác sĩ phán quyết một cách tàn nhẫn rằng Alison không thể sống lâu được do tác hại của thuốc an thần Thalidomide mà mẹ cô uống khi mang thai cô. Thế là khi mới được sáu tuần tuổi, người ta đã tách Alison ra khỏi mẹ ruột để đưa vào trường từ thiện nuôi dưỡng đặc biệt, cùng 200 đứa trẻ tật nguyền khác. Đó là cái thời mà ở nước Anh người ta muốn che giấu những con người không toàn vẹn như phải có.
Năm 17 tuổi, Alison rời trường từ thiện. Chín năm sau, cô tốt nghiệp Đại học Brighton với tấm bằng hạng ưu của khoa nghệ thuật tạo hình. Năm 23 tuổi, Alison từ chối mang đôi tay kim loại để hỗ trợ cuộc sống và từ chối cả những cuộc phẫu thuật khả dĩ kéo dài thêm đôi chân.
Từ khi tốt nghiệp đại học, cô không ngừng sống và làm việc như một nghệ sĩ bình thường nhưng đối tượng sáng tác của cô luôn chính là bản thân cô. Hơn thế nữa, Alison đã làm được điều mà cô đã đấu tranh suốt mấy mươi năm qua: đấu tranh cho sự công bằng của người khuyết tật.
Giờ đây, hàng triệu ánh mắt đã phải ngước nhìn bức tượng bằng đá hoa cương trắng mang tên "Alison Lapper mang thai" (tám tháng) đặt tại quảng trường chính Trafalgar của thủ đô nước Anh. Nhà điêu khắc nổi danh hàng đầu của nước Anh Marc Quinn cho rằng việc ông lựa chọn sáng tác bức tượng thể hiện Alison là vì sức mạnh của tính cách của cô. Đối với ông bấy nhiêu cũng đủ xem như một nữ anh hùng, bấy nhiêu cũng đủ để bức tượng cô được sánh vai cùng tượng đồng của các bậc anh hùng nước Anh trong thế kỷ 19 như vua George IV, Sir Charles Napiner và tướng Henry Havelock trên quảng trường danh tiếng Trafalgar của thủ đô London.
Nhà điêu khắc giải thích: “Thay vì sáng tác hình tượng một ai đó chinh phục thế giới với một quân đội, tôi muốn thể hiện một người đang phải đương đầu với bất hạnh trong cuộc sống hằng ngày, một người đang sống một cách viên mãn, và để thể hiện tương lai, tôi muốn tạc tượng người đó đang mang thai”.
Alison cùng con trai Parys đã từng được đài truyền hình BBC ghi hình để phát trong chương trình chuyên đề nhiều tập mang tựa đề "Đứa con trong thời đại của chúng ta". Mới đây, Alison Lapper lại được tuần san Courrier International của Pháp và L'Hebdo của Thụy Sĩ chọn giới thiệu như một trong 100 gương mặt trẻ nổi bật trong tương lai của Liên minh châu Âu 25 thành viên.