Có một điều mà anh không biết, tôi luôn nghĩ rằng giữa chúng tôi có quá nhiều thứ lớn hơn cả tình yêu. Bước qua những ranh giới ấy liệu có tốt đẹp hơn hay lại tổn thương cho tất cả? Và quan trọng hơn, cả tôi và Lâm đều không dám chạm vào đời nhau dẫu chỉ một lần. Tôi đã từng ao ước rằng, một hôm nào đó, chúng tôi được gặp nhau trong giấc mơ của người kia, ánh mắt trao nhau khi ấy sẽ không còn e dè, ái ngại bởi bất cứ điều gì…
***
- Mày biết tin gì chưa?
Nhỏ Hoa nắm lấy tay tôi lay lấy lay để, miệng thở hổn hển. Tôi lắc đầu, thản nhiên như xưa nay vẫn thế trước bao cái tin giật gân mà nó mang về. Hoa nhả từng chữ vừa đủ để tôi nghe.
- Thầy Lâm với cô Hạ ly hôn rồi.
- Sao?
Tim tôi thắt lại, cổ họng cứng đờ, đầu óc bắt đầu mông lung những suy nghĩ khó hiểu. Có chút gì đó hẫng hụt về hai người tôi từng quý mến nhất, lại có chút nuối tiếc, hoài nghi xen lẫn sự hân hoan của lòng ích kỷ. Đôi mắt hoang hoải và cả trái tim mệt mỏi bắt đầu lang thang đến một nơi nào đó xa lắm, có thể là những ngày tháng của tám năm về trước. Thầy Lâm về trường dạy Toán khi chúng tôi đang học lớp mười một.
Hôm thầy bước vào lớp, lũ con gái trầm trồ nhìn nhau, cả bọn không thôi đưa ra những từ cảm thán như “ồ, à, ui”… Thầy Lâm đẹp trai. Dáng người cao ráo, trắng trẻo, nụ cười duyên bởi cái lúm đồng tiền sâu hoắm, cặp kính cận tô thêm nét thư sinh. Hơn thế, thầy gây ấn tượng bởi giọng Hà Nội nhẹ nhàng, chẳng như cái giọng miền Trung nặng trịch của dân trong vùng.
Thầy hỏi qua ban cán sự lớp rồi mời từng đứa giới thiệu lần lượt. Tôi là lớp trưởng, đứng dậy đầu tiên với tâm thế dõng dạc, tự tin. Thế nhưng, thầy lại chau mày:
- Thầy xin lỗi, em có thể nhắc lại tên em được không?
Trong lòng cảm thấy hơi khó chịu, cũng bởi cái tật nói nhanh của tôi và sự “ bất đồng ngôn ngữ” giữa tôi và thầy, tôi cố gắng nhả chậm từng chữ một rồi nhe răng cười khỏa lấp sự bối rối.
Dạ, em là Nguyễn Thanh Thiên.
Cả lớp cười rần, chúng nhao nhao “Bao Thanh Thiên đó thầy ơi! Bao Chửng đó thầy!”.
Tôi biết ngay mà, cứ mỗi lần gọi tên tôi là y như vậy.
- À, rồi, thầy cám ơn! Cái tên đầy ý nghĩa nhỉ! – Thầy cười theo chúng nó.
Tiết học đầu tiên dành hơn nửa thời gian làm quen và ôn lại kiến thức lớp 10 nên không có gì đặc biệt. Ngoại trừ, thầy thao thảo giảng mà mấy nhỏ trong lớp ngồi chăm chú đến tội. Chỉ là chăm chú nhìn chứ không phải chăm chú nghe.
Giờ ra chơi, cái Hoa tha về một tin nóng hổi: “Thầy Lâm mới có 25 tuổi thôi chúng mày ơi, tốt nghiệp thạc sĩ hạng ưu đó. Quê ngoại ở đây nên thầy chuyển vào công tác chứ năng lực như thầy ở thủ đô không thiếu chỗ ngon nhé!”
“Chà, cập nhật nhanh thật, đúng là thông tấn xã Mai Hoa.” Tôi cắm cúi vẽ ngoạch ngoạc vào vở nháp, tủm tỉm cười khi nghe mấy cô bạn bàn tán xôn xao về thầy.
- Trời ơi! thầy cười một cái mà tim tao nhảy tưng tưng luôn mày. – Nhỏ Ly ôm ngực mơ màng.
- Ờ, sao có người dễ thương vậy không biết! Con trai mà có lúm đồng tiền, duyên không chịu được. – Nhỏ Hoa thêm vào.
Tổng kết học kỳ I, lớp có sáu đứa dưới điểm môn Toán, trong đó có bốn nàng xưa nay học khá. Việc đến cô chủ nhiệm của tôi – cô Hạ dạy Văn, khá nghiêm khắc và nói chuyện đạo lý trên cả tuyệt vời.
Giờ ra chơi hôm ấy, thầy còn ở trong lớp, cô Hạ bước vào để hỏi chuyện mấy đứa bị rớt điểm. Cả bọn không ai bảo ai, lén chạy ra ngoài rồi đóng cửa lại, chúng kéo màn kín mít, mặc cho cô “gào thét” bên trong. Là chúng nó tưởng tượng thế thôi chứ cô bản lĩnh hơn chúng nó tưởng. Cô vẫn bình thản tiếp tục trò chuyện với thầy. Bên ngoài, chúng nó bắt đầu chột dạ, chạy tới cửa sổ rình rồi xôn xao.
- Vẫn nói chuyện bình thường chúng mày ạ! Chả có tí gì gọi là hấp dẫn.
- Ê, hình như thầy toát mồ hôi.
- Tụi mày ơi! E là mình chơi hơi quá rồi, làm sao đây?
Trống đánh vào lớp rồi mà cả hội vẫn tần ngần ngoài cửa. Cái Hoa chạy đi gọi tôi từ lúc nãy. Tôi đi họp chi đoàn về, điềm nhiên bước tới mở cửa ra rồi chào thầy cô. Thoáng chút ngạc nhiên, hai người đưa mắt nhìn tôi, thầy chào cả lớp rồi trả lớp lại cho cô Hạ. Tiết học hôm đó vẫn diễn ra bình thường, cô bảo có chuyện gì sinh hoạt lớp sẽ giải quyết. Song, tuần đó, tuyệt nhiên không nghe cô nhắc gì đến trò nghịch mà lớp tôi gây ra. Cả bọn chắc mẩm “Có lẽ tuần này mình ngoan nên cô quên rồi”.
***
Nhà tôi ở khá xa trường. Hàng ngày, tôi vẫn đi học bằng chiếc xe đạp cọc cạch già cỗi có lẽ còn lớn hơn cả tuổi của tôi. Hôm rồi, chiếc xe lại giở chứng, ba chưa sửa kịp thế là tôi cuốc bộ. Lúc đang nhởn nhơ ngắm cây cỏ bên vệ đường, thì có tiếng dừng xe bên cạnh. Là thầy Lâm, hình như trông cái vẻ của tôi lúc ấy ngộ lắm nên thầy tủm tỉm cười rồi bảo:
- Thanh Thiên, lên đây thầy chở!
Tôi ngại ngùng:
- Dạ thôi, em đi bộ cũng được.
- Thầy nói nghe chứ, lên mau không thầy trò ta muộn bây giờ!
Tôi lưỡng lự rồi ngại ngùng leo lên xe. Thú thực, đó là lần đầu tiên tôi ngồi sau xe một người khác giới. Tưởng như có thể nghe được cả hơi thở của thầy thổi ngược theo chiều gió đưa. Mỗi lúc ổ gà xóc, tôi lại ý tứ nhích lùi sau một khoảng. Phía trước, thầy vui vẻ trò chuyện, hỏi han về gia đình tôi, hỏi về hoàn cảnh các bạn trong lớp. Đến gần trường, tôi bảo thầy cho tôi xuống, tôi phải mua cái khăn bảng. Dường như đoán được sự ái ngại của tôi, thầy dừng xe rồi mỉm cười chào.
Thế mà, sự việc không qua khỏi mắt nhỏ Hoa. Vừa vào lớp, nó đã lu loa lên:
- Chúng mày biết gì không? Thầy Lâm đẹp trai chở lớp trưởng mình đó!
- Sao? Tao ghen tị quá. Mà không lẽ lớp trưởng lại cạnh tranh cô Hạ à? Khó xử nhỉ! – Nhỏ Ly chen vào.
Tôi đằng hắng rồi mắng chúng nó một trận. Mặt tự nhiên nóng bừng, tim đập thình thịch như vừa chạy năm vòng sân thể dục. Trong lòng cảm thấy tức tối vì bị nghĩ oan, lại cảm thấy vui vui khó tả.
***
Hàng ngày, mẹ tôi vẫn chở gạo lên thị xã bán. Hôm đó, mẹ đi sớm, giữa đường chẳng may bị ngã, cả xe và người bổ nhào xuống đường. Bao gạo bị đổ, xe hư, chân tay trầy xước. May thay, một người thanh niên đi qua đã dừng lại giúp mẹ, còn tận tình đưa mẹ về tận nhà. Trò chuyện ra, mới hay chính là con trai của bạn mẹ ngày xưa. Là thầy Lâm.
Gặp nhau ở nhà tôi, thầy lúng túng đến lạ, tôi cũng ngỡ ngàng không kém. Mẹ cười hiền, “Chà! Trái đất tròn là thế!”. Mẹ bảo, bạn của mẹ bất hạnh lắm. Ngày xưa cô ấy yêu say đắm một người con trai nhưng nhà nghèo, cha lại ốm nặng, anh trai cờ bạc, nợ nần nên phải nhắm mắt lấy chồng giàu. Sau, cả gia đình chuyển ra Bắc, tưởng là sống sung sướng, không ngờ anh chồng cũng cờ bạc, gia sản tiêu tan hết. Sau đó, chồng bị người ta đánh chết trong tù, cô ấy uất ức quá rồi bệnh mà mất.
Tôi thấy thương thầy hơn, hóa ra ánh mắt xa xăm của thầy mỗi lần nhìn vu vơ đâu đó ngoài cửa sổ là có lý do. Mấy đứa thường bảo, lúc ấy thầy đang tương tư cô Hạ nhưng tôi biết góc nhìn của thầy hướng về cái tổ chim trên cây xà cừ gần đấy. Bất giác, trong một phút giây nào đó, tôi biết thầy đang cô đơn lắm, cái cô đơn chòng chành nơi đôi mắt ẩn sâu nhiều tâm sự, cả nỗi buồn phảng phất trên gương mặt thanh tú kia bỗng nhiên khiến tôi xao lòng.
Mẹ hay bảo thầy qua nhà tôi ăn cơm. Bây giờ, trong căn nhà của ngoại thầy ngày xưa cũng chẳng còn ai. Thầy ái ngại và cảm động lắm, có hôm, đang ăn cơm thấy tôi có vẻ dè dặt, thầy xoa đầu tôi rồi bảo:
- Lên lớp mình xưng thầy trò, ở nhà thì xưng anh em cũng được, bé Thiên nhé! – Nói rồi quay qua ba mẹ, khen tôi ở lớp oai như thế nào, học hành giỏi giang ra sao.
Ba mẹ tôi vui lắm, mẹ tôi bảo Lâm cứ xem gia đình tôi như người nhà, coi tôi như em gái và hãy gọi ba mẹ là ba mẹ. Lâm nghẹn ngào, rơi cả nước mắt. Đáp lại, những lúc ở nhà, tôi xưng em nhưng chẳng gọi rõ là anh hay thầy.
Thầy đã kể tôi nghe về chuyện của gia đình. Chuyện mẹ thầy hẹn ước với ba của cô Hạ – người thương năm xưa của bà ra sao. Năm rồi, mẹ bị ung thư, trước khi nhắm mắt chỉ trăn trối lại rằng, mẹ không hề hạnh phúc với ba. Người đàn ông mang lại hạnh phúc cho mẹ thì không tới được. Con gái của người ta – Hạ là cô gái tốt, hãy để nó làm dâu mẹ như lời chúng ta đã thề hẹn năm xưa. Thầy đã hứa để mẹ yên lòng.
Sau này, tôi mới biết, cô Hạ đã yêu thầy. Tôi không rõ cái tình cảm ấy đã có lâu chưa, trước khi chúng tôi biết về thầy hay ngay từ khi thầy xuất hiện vào cuộc đời của cô, nhưng trong những vần thơ khắc khoải mà cô Hạ viết, luôn có hình ảnh của một người con trai Hà Nội hào hoa, tôi cam đoan chẳng thể ai khác, ngoài thầy Lâm. Những hôm trường tổ chức lễ, cô thầy dẫn chương trình rồi hát song ca. Ai ở dưới cũng khen hai người thật xứng đôi vừa lứa. Tôi thấy tim mình như bị ai cố tình lôi ra rồi bóp chặt.
Thế nhưng, tôi vẫn nhớ lời Lâm hôm nọ, có lần thầy bảo đã thích nụ cười của một người, thích cả cái nhăn trán khó chịu của người ta, thích cái ngượng ngùng mà ương ngạnh, tất cả chẳng có gì sánh bằng cô Hạ nhưng lại là người thầy thương. Tôi biết, mình không có quyền đau nhưng vẫn cảm thấy nhức nhối ở nơi con tim đang thở gấp, mặc dù chẳng biết đang nhức nhối cho tôi hay cho cô Hạ.
Khi chúng tôi ra trường độ mấy tháng, thầy và cô đã làm đám cưới. Tôi không tới dự. Một phần viện lí do chuẩn bị hồ sơ để nhập học, một phần sợ mình sẽ trở nên lóng ngóng không cần thiết. Hôm đi đám cưới về, mẹ cười vui vẻ:
- Con biết không, thằng Lâm cưới con Hạ – con ông Lâm người yêu cũ ngày xưa của mẹ nó đó. Duyên trời con ơi, hai đứa đẹp đôi thật!
***
Tôi đi học mấy năm, ít khi về quê vì những bận rộn từ công việc làm thêm. Có về, cũng ru rú ở trong nhà, chẳng buồn tụ tập, ghé thăm ai. Mẹ bảo, sau khi cưới, thằng Lâm cũng lận đận, thuê nhà ở gần trường trong khi con bé Hạ chờ mãi chưa thấy có tin vui.
Vào sinh viên, có một vài người tán tỉnh tôi, song hình như họ chẳng đủ kiên nhẫn để chờ đợi một trái tim khô cứng. Tôi cũng muốn tim mình mềm ra, để đặt tình yêu vào ai đó trong số mấy chàng trai trẻ cùng thời, nhưng chịu. Nhìn thấy họ, cứ như thấy đám trẻ nít với mớ keo xịt trên đầu, áo quần phẳng phiu, lấy tiền ba mẹ cực nhọc làm ra để tiêu xài xả láng.
Ở lại thành phố mấy năm, tôi quyết định về quê để gần ba mẹ. Tháng năm qua đi, dấu vết thời gian đã thi nhau vẽ vời lên hai gương mặt yêu thương ấy quá nhiều. Tôi đang chờ quyết định để vào Sở giáo dục công tác vì thành tích đợt thi tuyển vừa rồi không tệ.
Ngày gặp lại, cái Hoa ngỡ ngàng nhìn tôi, rồi bi bô bao chuyện trong ngoài. Cái tin cô Hạ chuyển công tác với lá đơn ly hôn nó cũng biết. Thậm chí còn rõ tường tận rằng, mấy năm qua, thầy Lâm chỉ sống với cô bằng trách nhiệm chứ không phải vì tình yêu. Nó nói với gương mặt buồn rười rượi, như cái thần tượng – đã từng tồn tại trong nó bị sụp đổ đi ít nhiều.
Mẹ kể còn tường tận hơn, giờ Lâm về sống trong ngôi nhà ngày xưa của ngoại và dạy học cho bọn trẻ con trong làng. Thầy vẫn thường sang thăm mẹ và hỏi thăm về tôi.
***
Chúng tôi vô tình gặp nhau khi đang đi dạo trên bờ đê cuối làng. Lâm bảo tôi chẳng thay đổi gì nhiều, vẫn như cô bé ngày xưa. Giọng nói Hà Nội ấm áp ấy, đã lâu lắm rồi vẫn làm tim tôi thổn thức. Tôi gạt ngang rồi hỏi một câu không ăn nhập:
- Cô em sao rồi ạ?
- Ừ, cô ấy bỏ thầy đi rồi.
- Là ai bỏ ai?
Câu hỏi của tôi khiến Lâm chùng chình nơi đôi mắt. Lâm cúi mặt xuống, nhặt hòn sỏi rồi ném ra mặt sông để nén tiếng thở dài.
- Người hồi trước thầy nói thầy thương là ai, giờ ở đâu? Có phải thầy còn thương người ta nên đã làm cô em tổn thương. Không sinh được thì sao chứ, sao không xin con nuôi?
- Không phải vì lý do sinh con… Là em. Cô gái đó là em, em là người tôi thương…
Lâm thừa nhận mình là kẻ hèn nhát, chẳng dứt khoát để quyết định hạnh phúc của mình. Cả đời rốt cuộc cứ lấp lửng trong mớ thề hẹn của thế hệ trước. Tôi lại nghe tim mình rớt xuống. Lần này, có lẽ nó rớt xuống sông mất rồi, ngụp lặn ở đó hồi lâu, sau cùng đã hổn hển vì kiệt sức. Tôi cũng có hơn gì Lâm, chưa bao giờ dám đối mặt với những cảm xúc thật của mình. Thậm chí khi Lâm nói ra những lời đó, tôi chẳng biết làm gì ngoài quay lưng và bỏ chạy.
Lâm bảo bây giờ, anh cũng không tự tin để chạm tới hạnh phúc chờ đợi bấy lâu của mình. Nó quá tàn nhẫn với tất cả, với tôi, với cô Hạ, với cả mẹ anh và mẹ tôi. Trong đợt thanh tra đầu tiên của Sở, tôi được giao về làm việc với trường mà Lâm đang giữ chức hiệu phó. Sân trường vào hạ, cánh phượng mỏng tang buông hờ hững xuống mặt đất.
Tôi bâng quơ chào xã giao, rồi điềm nhiên hỏi:
- Mấy giờ chúng ta bắt đầu làm việc được, thưa thầy hiệu phó?
Hôm trước, Lâm hỏi có phải em cũng đã từng thương tôi. Lâm đã cảm nhận được ánh mắt tôi nhìn anh khác lạ, một đôi mắt luôn dõi theo anh nhưng lại lảng tránh bất cứ lúc nào hai chúng tôi chạm mặt.
Lâm quay về văn phòng sau khi tiễn tôi ra cổng. Tuyệt nhiên, chúng tôi không hề nhắc gì đến chuyện khác ngoài công việc. Cái dáng người ấy, giọng nói ấy đã ám ảnh cả đời con gái của tôi. Tám năm trước và bây giờ cũng thế, chúng tôi lại lướt qua nhau nhẹ nhàng mà đau đớn.
***
Có một điều mà anh không biết, tôi luôn nghĩ rằng giữa chúng tôi có quá nhiều thứ lớn hơn cả tình yêu. Bước qua những ranh giới ấy liệu có tốt đẹp hơn hay lại tổn thương cho tất cả? Và quan trọng hơn, cả tôi và Lâm đều không dám chạm vào đời nhau dẫu chỉ một lần.
Tôi đã từng ao ước rằng, một hôm nào đó, chúng tôi được gặp nhau trong giấc mơ của người kia, ánh mắt trao nhau khi ấy sẽ không còn e dè, ái ngại bởi bất cứ điều gì…
Đồng Mai