Hạnh phúc của tôi đó là được nhìn thấy những người tôi thương yêu và người yêu thương tôi cười. Hạnh phúc của tôi đó là khi nhìn thấy những người bên tôi hạnh phúc. Em đang nhìn tôi cười. Có lẽ em cũng đang hạnh phúc.
***
Người ta vẫn tự hỏi: “Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc ở đâu? Tại sao hạnh phúc không đến với tôi? Tại sao tôi không hạnh phúc?”. Để rồi cuối cùng ngẫm lại và nghiệm ra rằng: “Hạnh phúc luôn ở cạnh ta, xuất hiện thường ngày trong cuộc sống của ta. Hạnh phúc đơn giản lắm, có mặt trên đời biết cho đi yêu thương và biết nhận về yêu thương thực ra cũng là hạnh phúc…”.
Tôi gọi em là Sữa…Tất nhiên có những lý do để tôi đặt cho em cái tên đó…
Tôi thường đứng ở ban công xóm trọ của tôi nhìn em bước đi trên lan can sân thượng nhà em. Tôi đã hơn một lần “thót tim” và giật mình khi nhìn thấy em bước đi trên cái bờ tường lan can hẹp và dài ấy, hơn một lần nghĩ rằng chỉ lệch một bước chân thôi là có thể mất cả một mạng người. Nhưng em không ngã, em bước đi nhanh hơn tôi tưởng, sáng nào cũng thế, chiều nào cũng vậy. Mỗi khi nhìn thấy tôi đứng dưới ban công em lại cười và tôi tự hỏi “có phải em đang cười với tôi?”.
Tôi vẫn thường rưng rưng nước mắt khi thấy khuôn mặt sợ sệt của em bị các anh chị trong xóm trọ của tôi cầm chiếc gậy đuổi…Các anh chị ấy đuổi em như đuổi một “thằng trộm” dù em chẳng làm gì có lỗi với những người ấy cả? Phải rồi… Có lẽ do họ không hiểu hoàn cảnh của em, có lẽ em không cùng đẳng cấp với họ…Những lúc ấy tôi nhận ra rằng “em cũng cần được yêu thương chăm sóc lắm vì em cũng là một đứa trẻ mà..”
Tôi đã từng rơi nước mắt mỗi khi nghe mẹ em nói, những câu nói cất giấu từ tận đáy lòng, những lời nói không biết ngỏ cùng ai: “Nhiều lúc cô đã từng ước rằng, giá chỉ có thể ăn cơm chấm muối, giá em nó được khỏi bệnh thì dù phải đánh đổi cái gì cô cũng sẽ làm. Bố nó dùng rượu để sống qua ngày, anh trai nó thì lúc nào cũng lầm lì và chẳng mấy khi tâm sự với cô, còn có đứa út thì lại bị vậy…”. Dù tôi chưa trải nghiệm cuộc sống nhiều, tôi cũng không sống trong hoàn cảnh của em nhưng tôi vẫn thấy mẹ tôi cầm tay tôi xuýt xoa mỗi khi tôi bị đứt tay và ánh mắt lo lắng của mẹ, sự hoảng hốt của mẹ khi nhìn thấy tôi bị ngã…Nên tôi hiểu nỗi đau của mẹ em…Nỗi đau của một người mẹ khi thấy con mình bị đau, con mình bị người ta ghen ghét mà chẳng làm gì được, chỉ đứng nhìn và lau nước mắt. Nỗi đau tinh thần thật ra còn đau gấp hàng ngàn, hàng vạn nỗi đau thể xác…
Nhưng cuối cùng tôi cũng được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của mẹ em. Nụ cười ấy còn kèm theo cả những giọt nước mắt rơi vội. Nụ cười của hy vọng của niềm tin đã được đền đáp, của những mong mỏi bấy lâu đang dần thành hiện thực…
Lần đầu tiên tôi gặp em là khi tôi học năm thứ hai đại học, khi ấy do chuyển cơ sở học nên tôi phải chuyển nhà trọ. Mở cửa phòng trọ, vừa đặt chiếc ba lô xuống nền nhà, vào xem phòng tắm một lúc, khi đi ra tôi đã thấy em đứng sững trong phòng của mình. Ấn tượng đầu tiên của tôi về em đó là một cậu bé rất dễ thương với nước da trắng, cặp môi hồng, dáng người dong dỏng cao, đúng là em rất đẹp trai. Tôi mỉm cười và cất tiếng chào em:
- Bé ơi, nhà bé ở gần đây à? Bé uống nước không? Chị lấy cho bé nhé!
Em nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lùng nhất có thể, em không cười cũng chẳng trả lời câu hỏi của tôi. Đôi mắt em nhìn một lượt khắp căn phòng tôi, hình như em đang tìm kiếm vật gì đó. Tôi thấy hơi sợ, bởi vì đây là lần đầu tiên tôi gặp một đứa trẻ có cách cư xử lạ lùng như thế. Cho đến khi em thấy chiếc túi đựng quà của người bạn cũng phòng với tôi, em đi nhanh tới lấy rồi chạy ra ngoài cửa. Qúa bất ngờ trước hành động của một đứa trẻ con, tôi không nghĩ em là trộm nhưng hành động của em lúc đó làm tôi giận và ghét. Đuổi theo em ra tới gần cổng, em đứng lại nhìn tôi, ánh mắt lộ rõ vẻ lo sợ sau đó vứt chiếc túi xuống đất và chạy mất. Lúc ấy tôi chưa biết em là ai nhưng tôi tự dặn bản thân mình phải đề phòng.
Sau đó qua lời các anh chị trong xóm trọ kể lại tôi biết em mắc bệnh tự kỷ. Tôi chỉ biết bệnh tự kỷ qua báo chí, ti vi chứ chưa gặp trực tiếp bao giờ nên khi nghe các anh chị nói lại tôi mới hiểu tại sao em ấy lại có cách cư xử lạ lùng đó. Tôi thấy thương em và đồng cảm với em nhiều hơn là ghét. Đơn giản vì em đâu có lỗi, bản thân em đâu muốn vậy, chỉ là em không may mắn như những em bé khác mà.
Đôi khi tôi bị giật mình bởi tiếng mắng chửi của các anh chị ở tầng dưới khi thấy em ngó ngàng sang xóm trọ tôi. Vì em bị tự kỷ nên nếu em nhìn thấy đồ vật gì ấn tượng, quen với em, em sẽ cố gắng lấy bằng được nó. Có lẽ đó là lí do mà anh chị ấy ghét em vì thi thoảng em vẫn hay chạy vào phòng anh chị và lấy đồ như em đã từng làm với phòng tôi.
Lần đầu tiên thấy em đi trên lan can trên sân thượng, tôi đã thốt lên rằng:
- Trời ơi, thế kia ngã xuống thì sao? Sao bố mẹ em ấy không bảo em ấy xuống vậy?
Lúc ấy, Lan, người bạn bên cạnh phòng tôi trả lời rằng:
- Em ấy không ngã được đâu, ngày nào mà chả leo như vậy, bố em ấy lên dắt xuống tí em ấy lại đi lên mà. Nhà ấy đứa anh trai cũng cứ lầm lì kiểu gì ấy, chả bao giờ thấy hai anh em chơi với mấy đứa trẻ hàng xóm này cả.
Lan ở xóm trọ này lâu hơn tôi nên Lan biết nhiều hơn tôi. Cả tôi và Lan đều có một điểm chung là “không ghét em ấy”.
Người ta cho kẹo em không ăn, cho hoa quả em không nhận, cho đồ chơi em không lấy, em chỉ thích duy nhất một thứ đó là sữa. Đúng em chỉ cười khi nhìn thấy sữa, hộp sữa tươi có ống mút ấy…Và đó cũng là lí do tại sao tôi lại gọi em là Sữa bới vì mỗi khi tôi gọi em như vậy, em lại thường nhìn tôi rồi cười. Cũng nhờ cái tên Sữa mà tôi và em trở nên thân thiết hơn, thân thiết như chị gái và em trai vậy.
Sữa vẫn thường lẳng lặng đứng một góc nhìn mấy đứa trẻ con xóm trọ chơi cùng nhau, không phải chúng không cho em chơi mà em không hiểu luật chơi và cũng không thể hòa nhập được với các em ấy chỉ vì em bị tự kỷ. Những lúc ấy tôi thường nắm tay em đi dạo, tôi không biết em có hiểu nơi tôi đưa em đi, tôi cũng chẳng quan tâm rằng trong tâm hồn em, trong trí nhớ của em có tôi không? Nhưng điều làm tôi hạnh phúc nhất là khi nghe mẹ em nói rằng: “Cháu là người duy nhất ngoài những người trong gia đình mà em nó nắm tay và chịu đi chơi cùng ấy”… Tôi chỉ nghĩ đơn giản là những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến trái tim, sự chân thành sẽ được đền đáp xứng đáng…Tôi còn hạnh phúc hơn bởi vì bây giờ ngoài sữa ra, mỗi lần nhìn tôi em cũng cười, có phải bệnh của em đã đỡ hơn?
Thi thoảng đi học về tôi lại mua sữa cho em, nhìn thấy tôi em lại cười.
- Cháu đi học về rồi đấy à? À mà cháu học mấy năm nhỉ?
- Dạ cháu học bốn năm ạ. Nói rồi tôi đưa ra trước mặt em hai hộp sữa nhỏ:
- Qùa của chị cho Sữa nè. Thích không?
Em cầm hộp sữa lên hít hà, nhìn mẹ quay sang tôi cười, nụ cười lộ rõ sự thích thú.
- Xin chị chưa con?
Nghe mẹ nói vậy, em nhìn tôi bập bẹ nói:
- X..in…xin…ch..ị…chị.
- Em nó không nói được cám ơn cháu à, chỉ thỉnh thoảng bập bẹ được mấy từ dễ nói thôi.
- Cháu hiểu mà cô.
Tôi chỉ nói được vậy, cố gắng không để nước mắt rơi, nhìn sang mắt mẹ em cũng đang rưng rưng. Đối với nhứng đứa trẻ khác có thể là lời nói đầu tiên mà các em được học, lời nói đầu tiên mà một đứa trẻ hai tuổi có thể nói được nhưng với em là cả một quá trình dù em đã năm tuổi. Dễ hiểu tại sao mỗi lần nhìn thấy con mình đứng một mình, con nhìn mình muốn nói mà chẳng thốt lên lời thì mắt mẹ em lại buồn vậy! Tình mẫu tử luôn luôn là tình cảm thiêng liêng nhất mà.
- À Trang nè, cô định cho em đi học lớp học dành cho trẻ tự kỷ, trước em còn nhỏ cô cũng cho em đi học cùng lớp mẫu giáo với các bạn nhưng em không theo được nên lại thôi. Giờ cô đinh cho em đi học tiếp, học lớp trẻ tự kỷ có lẽ hợp với em nó hơn. – Giọng mẹ em nhỏ nhẹ như đang tâm sự.
Tôi nhìn em rồi trả lời:
- Cô cứ cho em đi học thử đi ạ, biết đâu lại hiệu quả, dạo này cháu thấy em hay cười hơn. Nhưng cháu nghĩ sự quan tâm, chăm sóc của gia đình cũng là một yếu tố đấy ạ.
- Ừ khi em nó mới bị cô cũng không để ý, mảng đi làm nên em bị nặng hơn, giờ nghĩ lại cô thấy hối hận quá. Nếu chữa trị từ sớm có lẽ bây giờ nó cũng không bị nặng như thế này. Nhưng còn nước còn tát, được tí nào hay tí ấy cháu nhỉ?
- Vâng ạ, cháu tin rằng sau khóa học này Sữa sẽ tiến bộ hơn đấy cô.
Tôi trả lời rồi nhìn Sữa, em đang với những lọn tóc của mẹ quấn vào ngón tay mình rồi cười, có lẽ em chẳng hiểu những gì mẹ em và tôi vừa nói nhưng tôi hy vọng rằng sau khóa học này em sẽ nói được nhiều hơn và hơn hết tôi vẫn mong em cười nhiều hơn.
“ Cô vẫn hay chạnh lòng khi nhìn những đứa trẻ con hàng xóm vui đùa, cô cũng thấy bồn khi em nó bị các anh chị đuổi và dọa đánh nhưng vì em nó sai nên cô cũng chẳng làm gì được, nếu như các anh chị ấy cũng hiểu em nó một chút như cháu thì tốt biết mấy. Nhiều đêm nằm nhìn sang con mình mà nước mắt cô cứ ứa ra, cô thương em quá cháu ạ. Nếu được đánh đổi cô thà chịu bệnh thay em nó còn hơn”. Tôi nhìn ngôi nhà hai tầng trước mặt và rồi tự nói với lòng mình: “ Thì ra nhà to đẹp không tỉ lệ thuận với hạnh phúc”. Vậy mà ngày nhỏ mỗi khi ngồi ăn cơm tôi vẫn thường ước ao nói lớn với ba mẹ tôi rằng: “Con ước nhà mình to thật to như nhà bạn A hay bạn B gì đó, con ước được một lần được ngôi xe ô tô…”.
Cho đến bây giờ nghĩ lại tôi lại cho rằng: “ Tôi thích những căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười, thích những bữa cơm đạm bạc nhưng ai cũng vui vẻ chứ không phải sơn hào hải vị nhưng chẳng ai nhìn mặt ai mỗi khi ăn cơm (tất nhiên nhà to mà được vui vẻ thì còn thích hơn). Tôi thích được bố cõng trên lưng, được bố đưa đi học bằng chiếc xe đạp hay chiếc xe máy cũ chứ không thích ngồi trên chiếc xe ô tô mà tài xế là người bố thuê chứ chẳng phải là bố lái”. Hạnh phúc với những đứa con thực ra đơn giản lắm, có điều người lớn lại hay phức tạp hóa nó lên…Như mẹ Sữa cũng từng nói rằng: “Giá có thể ước thì dù nhà cô nghèo đi bao nhiêu cũng được, không có gì cũng chả sao, cô chỉ mong rằng con cái của mình khỏe mạnh, vui chơi như những đứa trẻ bình thường. Nhưng cuộc sống này không có gía như cháu nhỉ, vì vậy nên hạnh phúc của cô là thấy Sữa cười, Sữa bập bẹ được từ nào hay từ ấy”. Niềm hạnh phúc của một người mẹ có con tự kỷ đơn giản vậy đấy… Tôi đang miên man nghĩ và ở trên lan can sân thượng kia, em vẫn đang nhìn tôi cười…
Nhà em ở cách lớp học khá xa nên mẹ em và em cùng đi, tôi nghe cô nói nếu bé có tiến bộ thì cô sẽ cho em học ở đấy lâu hơn, và nếu không có gì thay đổi thì ba tháng cô sẽ cho em về qua nhà rồi lại đi tiếp… Tôi nắm nhẹ tay em, tay kia khẽ véo nhẹ má em thủ thỉ: “Sữa đi học ngoan, nhớ nghe lời cô giáo và mẹ nhé, khi về phải nói được tên chị đó nha”. Em cười giòn tan cầm chặt lấy hai hộp sữa tôi vừa đưa, có lẽ em muốn nói gì đó nhưng chẳng thể bật ra, chỉ “ư ư” mấy tiếng rồi thôi. Mẹ em cám ơn tôi, dặn dò tôi mấy câu và dắt tay em đi. Nắng vàng cuối thu trải dài bước chân mẹ và em. Nắng là hy vọng, là tình yêu và niềm tin, nắng sẽ mang đến sự mạnh mẽ và may mắn cho em. Nhất định thế!
Tôi vẫn đi học bình thường, những buổi chiều tôi vẫn ngước lên sân thượng nhà em như một thói quen, không biết giờ nay em thế nào, có bị cô giáo mắng không? Có tè dầm ra lớp không?
- Thành nó đi học mà xóm trọ vắng nhỉ? Bình thường giờ này nó hay sang lắm nè?
Thành là tên em, mọi người trong xóm trọ ngoài gọi em là tự kỷ ra thì vẫn kêu tên em như vậy.
- Ừ em ấy đi mấy anh chị xóm mình cũng chẳng bị làm phiền nữa, cũng chẳng phải cầm gậy đuổi theo em ấy nữa. Tớ nhớ em ấy kinh khủng…Tôi nói nhỏ.
- Em ấy đi rồi sẽ về mà, có đi mất đâu mà, biết đâu về lại gọi được “chị Trang ơi thì sao”. Lan vừa nói vừa cười, Lan cũng như tôi chẳng mong em khỏi bệnh chỉ mong rằng em có thể đỡ một chút thôi cũng được.
- Ừ, tớ cũng hy vọng thế. Tôi nói ánh mắt hướng về phí lan can kia, nơi luôn có nụ cười của em…
Thời gian trôi qua, ba tháng cũng đến, em trở về, mẹ em nói em có tiến bộ hơn một chút, bập bẹ thêm được mấy từ, vì vậy nên mẹ em quyết định cho em trị liệu lâu dài. Tôi khẽ vuốt tóc em, rồi giơ hộp sữa ra, em lại cười, nụ cười của em bây giờ có “hồn” hơn chứ không chỉ cười trong cái thế giới của em nữa.
- Thi thoảng, khi về phòng có hai mẹ con, em nó vẫn chạy ra cổng, nhìn xung quanh, có lẽ em nhớ cháu, cháu à.
Tôi nhìn mắt em khẽ mỉm cười, tự nói với lòng mình: “Không biết bao giờ em có thể gọi được mẹ trôi chảy, bập bẹ được tên chị đây em”.
Em về rồi lại đi, mỗi lần về là một lời nhắn nhủ tôi dành cho em, là hộp sữa tôi đặt vội vào tay em, là những cái thơm vào má ấm áp kèm theo niềm tin và hy vọng của tôi.
Lần về thứ hai tức là em đã đi học được sáu tháng, mẹ em có nói là hết lần này, lần sau bốn tháng mới về tiếp nên quyết định cho tôi và em đi chơi công viên.
Tôi dắt em đi dạo quanh công viên, nét sợ trên khuôn mặt em khi gặp người lạ vẫn còn nhưng đã đỡ hơn. Thấy em nhìn mấy đứa trẻ ngồi trên chiếc xe ô tô chăm chú, tôi và mẹ quyết định cho em lên ngồi, nhưng vừa ngồi xuống em vội hét lên, mẹ em bảo có lẽ em chưa quen. Vì vậy nên tôi chỉ có thể dắt em đi xem mấy con thú trong công viên rồi về… Có lẽ do bệnh của em có phần đỡ hơn nên mẹ em cũng vui hơn nhiều, và mẹ nói là ba em ở nhà giờ cũng ít uống rượu hơn. Tự nhiên tôi lại thấy vui hơn cho em…
- Trang ơi hè này cậu định về quê à? Lan nhìn thấy tôi bước chân lên cầu thang nên hỏi.
- Ừ, tớ về quê gặp bố mẹ tí đã còn tính sau, nhớ bố mẹ lắm. – Tôi cười trả lời Lan.
- Mấy đứa ở quê bọn mình, mỗi lần về quê đứa nào cũng háo hức nhỉ?
- Tớ thích lắm, về quê được ôm bà, ôm mẹ, thủ thỉ tâm sự đủ thứ chuyện, được tự do sáng tạo món ăn và được mọi người khen ngon, thấy mọi người vẫn khỏe. Nói chung mỗi lần về quê là một lần hạnh phúc của tớ, hạnh phúc đôi khi đơn giản lắm cậu nhỉ?
- “Úi giời” chưa về mà đã sung sướng thế hả? À mình vào đầu năm học mới là Thành cũng sắp về rùi ấy, không biết bệnh của em ấy có đỡ nhiều không nhỉ? Lan nói giọng hơi băn khoăn.
- Tớ nghĩ em ấy sẽ tiến bộ nhiều hơn đấy… Sữa của tớ ngoan mà giỏi lắm ấy. Biết đâu lần sau về em ấy sẽ gọi được tên tớ…
Lan bĩu môi nhìn sang tôi, nhìn tôi trả lời:
- Cậu gần với em ấy thế, yêu thương em ấy thì thế nào em ấy cũng nhớ cậu…
Kỳ nghỉ hè của tôi là những ngày hạnh phúc ấm áp bên gia đình, là giọt mồ hôi rơi vội khi giúp bố mẹ trong những ngày mùa. Là nụ cười tươi cùng với ước muốn một lần được trở về tuổi thơ khi chơi đùa cùng mấy em nhỏ hàng xóm…Là cái nhìn xa xăm vô định khi nghĩ đến Sữa của tôi…Mỗi một lần chơi đùa cùng trẻ con là một lần hình ảnh của em lại xuất hiện trong tâm trí tôi…Phải rồi Sữa của tôi cũng sắp về rồi đấy…
Hè đến rồi đi, năm hai rồi đến năm ba, đúng là thời gian chẳng chờ đợi ai bao giờ. Năm ba tôi phải học các môn chuyên ngành nên cũng vất vả hơn, tôi tập trung vào học nhiều hơn nên cũng cảm thấy bớt nhớ em hơn… Tôi vẫn thường đi về qua cổng nhà em, vẫn nhìn sâu vào cánh cổng ấy như một thói quen, ngôi nhà ấy giờ đây có lẽ đã ấm áp hơn. “Ừ Sữa đã đi học được gần một năm rồi đấy, cũng gần bốn tháng ở lần đi thứ ba này”…Tôi vẫn hay tự độc thoại như vậy.
Một buổi chiều đẹp trời, khi tôi vừa đi học về và đang loay hoay mở cổng chiếc phòng trọ thì thấy vòng tay nhỏ bé ôm chặt lấy eo tôi cùng với một lời nói nhỏ: “ Ch…ị…Chị…Tr…a…ng…Trang”. Bất ngờ, ngỡ ngàng trong giây phút, nước mắt tôi tự nhiên rơi…Có lẽ vì vui mừng, vì hạnh phúc, tôi ôm chặt lấy em, miệng thì cười nhưng nước mắt thì chảy dài trên má. Người ta khóc có thể do nỗi đau vượt quá sức chịu đựng của bản thân hoặc có thể là muốn giải tỏa cảm xúc của bản thân mình nhưng cũng có thể là đó là sự vui mừng mà nụ cười không thể hiện hết được. Thấy tôi khóc Sữa vội lấy tay mình gạt những giọt nước mắt vương lại trên khuôn mặt tôi, rồi em khẽ cọ trán em vào trán tôi, sau đó em nhìn tôi cười…
- Em nó nói được nhiều từ hơn rồi cháu ạ, bây giờ đi vệ sinh cũng biết nói với người lớn rồi…
Nãy giờ chứng kiến cuộc hội ngộ của hai chị em tôi nên mẹ em không nói gì, tôi nhìn mẹ em, khuôn mặt ấy cũng còn đang đọng lại những giọt nước mắt, tôi cười nhẹ rồi nói:
- Cô ơi, cháu thấy hạnh phúc quá, thấy mừng cho em quá, bất ngờ lắm cô à. Cuối cùng em ấy cũng “bập bẹ” được tên cháu.
- Ừ, nghe em nói được nhiều hơn cô cũng vui, phải cám ơn các cô giáo ở lớp học đấy nữa cháu ạ, các cô giáo ấy nhiệt tình lắm. Họ đũng là những người vừa có tâm vừa có tình.
- Vâng ạ, để cháu vào cất đồ rồi cháu dắt em đi dạo chút cô nhé, lâu rồi cháu không đi dạo cùng em.
Chẳng kịp nghe câu trả lời của mẹ em, một lát sau tôi đã chạy ra nắm lấy tay em đi dạo. Đi được một đoạn, ngoái lại vẫn thấy nụ cười của mẹ em. Đúng thế, thấy em có thể nói được, thể hiện được một ít cảm xúc là mong muốn, là niềm hạnh phúc của mẹ em mà. “Trời chiều cảnh, ở hiền gặp lành”, trong đầu tôi xuất hiện câu nói nội vẫn hay nói với tôi. Gần một năm trước em mới chỉ nhìn tôi và cười, giờ đây em đã gọi được tên tôi. Phải rồi, tôi đang hạnh phúc. Hạnh phúc của tôi đó là được nhìn thấy những người tôi thương yêu và người yêu thương tôi cười. Hạnh phúc của tôi đó là khi nhìn thấy những người bên tôi hạnh phúc. Em đang nhìn tôi cười. Những tia nắng còn sót lại của buổi chiều cuối thu làm nụ cười của em rạng rỡ hơn. Có lẽ em cũng đang hạnh phúc.
Lê Trang