Kết thúc kì thực tập – tình nguyện kéo dài bốn tuần ở thủ đô Kuala Lumpur (KL), tôi bắt đầu rải CV và đơn xin việc đến vài công ty trong vùng. Bảng thành tích học tập nổi trội, kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế cũng như khả năng giao tiếp bằng ba ngoại ngữ không mang lại nhiều điểm cộng cho tôi trong một đấu trường cạnh tranh gắt gao như thế này. Không để bản thân rơi vào trạng thái mục ruỗng vì đợi chờ, tôi bỏ vào vali những món đồ cần thiết, trả phòng trọ rồi ra bến tàu, rời thành phố.
Những rặng cây xanh mướt hối hả chạy ngược chiều tàu hỏa, chẳng mấy chốc bị bỏ lại phía sau. Những ồn ào, tất bật cũng theo đó mà biến mất. Tôi nhìn qua khung cửa sổ, say sưa ngắm những ngọn đồi xanh thẫm lá cà phê. Tôi quen Sha, một chàng trai của vùng này chừng một tháng trước. Mạng couchsurfing mang đến cho chúng tôi cơ hội đón khách lạ đến nhà đồng thời cũng được chào đón ở nhà những người lạ. Nếu như một tháng trước, tôi chấp nhận host (cho ở nhờ) Sha trong hai ngày ở KL thì lúc này, Sha cũng tỏ ra tốt bụng như thế khi gật đầu đồng ý, không quên gửi cho tôi chỉ dẫn bắt xe buýt địa phương tìm đường tới nhà cậu. Couchsurfing là nơi tất cả mọi thứ đều diễn ra dựa trên sự tin tưởng và hoàn toàn không mất phí. Chúng tôi cân nhắc chọn người cho ở nhờ hoặc xin ở ké dựa vào những nhận xét mọi người để lại trước đó. Sha từng host bốn người, du lịch cùng năm người khác. Tổng cộng chín nhận xét tích cực. Bằng trực giác, tôi biết mình không cần lăn tăn quá nhiều khi đến ở trang trại của gia đình Sha.
Sha sống cùng bố mẹ, nhưng cả gia đình cậu ấy không ở trong thành phố mà định cư ở một vùng ngoại ô khá xa trung tâm. Sha bảo, chỉ những người không mắc kẹt trong lịch trình du lịch nhanh và gấp như con thoi, đồng thời muốn trải nghiệm một cuộc sống thực sự khác nhưng cũng rất đặc trưng của vùng mới gửi cho cậu ấy lời đề nghị xin ở nhờ.
“Cậu là người thứ năm, nhưng lại là vị khách nữ đầu tiên đấy!”.
Tôi hơi co người lại, không thể giấu cảm giác sợ và lo lắng. Một chút.
“Đồ ngốc! Da cậu… nâu đen như người bản địa, lại có thể bắn tiếng Bahasa chẳng kém gì người ở đây, ai có thể bắt nạt cậu được chứ!”.
Tôi gật gù, cũng đúng.
Dự định của tôi không phải là lang thang thăm quan ngôi làng của Sha trong vài ngày rồi tiếp tục di chuyển sang những vùng khác. Tôi muốn sống như một người ở đây, không phải một người thành thị như tôi đã từng sống trong suốt sáu tuần trước đó mà là một cuộc sống ven ngoại ô như Sha và gia đình cậu ấy. Ít nhất là cho đến lúc tôi nhận được một công việc mới ở KL. Sha tỏ vẻ khá bất ngờ trước kế hoạch của tôi, nhưng chưa đầy năm giây sau, cậu ấy đã bật cười thích thú và nói rằng mùa thu hoạch cà phê đã kết thúc từ lâu nhưng tôi có thể ở lại và phụ giúp gia đình cậu ấy rang cà phê.
Hết tuần đầu tiên, tôi nhận ra đó chỉ là một câu nói đùa của Sha để giúp tôi bớt ngại khi lưu trú ở trang trại của gia đình cậu ấy lâu đến thế. Trên thực tế, Sha không yêu cầu tôi làm gì cả. Cậu ấy để mặc tôi chạy lăng xăng theo bố mẹ cậu ấy đi khắp trang trại, rồi vào các kho chứa. Bố mẹ Sha rất thân thiện, thực sự rất thân thiện. Thế nhưng, khi tôi đưa ra nhận xét ấy, bác gái thường chỉ cười hồn hậu trong khi bác trai giả vờ đốc thúc tôi mau làm xong việc còn về ăn tối.
Khí hậu nắng nóng quanh năm mang đến làn da rám nắng rắn khỏe cho người dân nơi này. Nếu như ở Việt Nam, tôi luôn cảm thấy tự ti về nước da bánh mật của mình thì ở đây, gam màu nâu rám ấy lại như một tấm vé thông hành cho phép tôi nhanh chóng trở thành một phần quen thuộc của ngôi làng cà phê. Trong trường hợp Sha hoặc bố mẹ cậu ấy không giới thiệu, hẳn không ai nghĩ rằng tôi là một kẻ đến từ phương xa.
***
Gần một tháng trôi qua, tôi tham gia vài cuộc phỏng vấn qua Skype nhưng kết quả không tốt như mong đợi. Phần vì tôi trẻ, phần vì tôi đến từ một nước đang phát triển chứ không phải những nước phát triển sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Sha không tìm cách an ủi tôi, hoặc cậu ấy đã an ủi tôi theo cách của riêng mình.
Buổi tối, nhiệt độ thường giảm đột ngột. Chúng tôi ngồi trước hiên nhà, uống sữa nóng pha thêm một chút cà phê. Sha dùng hai tay lạnh giữ cốc nước ấm rồi áp vào má, bật cười “Thích thật!”.
Phát hiện tôi vẫn đang ngẩn người suy nghĩ mông lung, Sha dùng khuỷu tay hích nhẹ.
“Này! Vẫn buồn chuyện phỏng vấn sáng nay hả? Còn chưa đầy một tháng cơ mà, rất nhiều người tớ quen phải chờ cả nửa năm trời mới xin được việc đấy nhé!”.
“Ừ!” – tôi bắt đầu hoang mang, không biết mình đang bám trụ ở mảnh đất này vì điều gì. Visa của tôi sẽ hết hạn trong một tháng nữa, khoản tiền tiết kiệm mang theo cũng không còn nhiều.
“Đừng lo khoản chi phí ăn ở!” – Sha, cậu ấy có khả năng đọc suy nghĩ của người khác đúng không? – “Cậu hoàn toàn có thể ở đây đến bất cứ lúc nào cậu thích!”
Rồi để tôi không cảm thấy khó xử, như lần trước, cậu ấy chèn thêm.
“Bố mẹ tớ rất vui khi tớ quyết định “tuyển” cậu vào làm đấy nhé!”.
Tôi nhìn Sha, đột nhiên cảm thấy mình là người may mắn nhất trên đời. Những tháng ngày sống nơi đất khách, những người lạ mặt tốt bụng. Chắc hẳn, sau này khi trở về Việt Nam kể lại cho người thân và bạn bè nghe, họ cũng sẽ nghi ngờ và cho rằng trên đời kiếm đâu nhiều người tốt như thế. Thế rồi, tôi bất giác giật mình. Những vùng đất tôi từng đi qua, những câu chuyện tôi từng chứng kiến trên đường, hành tranh của những năm tháng tuổi trẻ,… tôi không biết nên tâm sự và chia sẻ cùng ai cả. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất ấy, nhưng chẳng hiểu sao tôi chưa bao giờ thực sự tìm thấy mối ràng buộc rõ ràng giữa mình và thế giới xung quanh. Đó là lý do tôi tiết kiệm tiền, tìm kiếm cơ hội đặt chân đến những nơi thật xa, sống giữa những người mình không hề biết. Vài đứa bạn nói tôi sung sướng, chỉ riêng tôi hiểu mình đang chạy trốn chính mình. Tệ thật!
“Sha này, cậu đã bao giờ muốn đến một nơi hoàn toàn xa lạ chưa?”.
“Để làm gì cơ?” – Sha trả lời tôi bằng một câu hỏi khác.
“Thì một nơi cậu chẳng quen biết ai cả, mọi thứ đều lạ lẫm. Để cậu có thể làm bất cứ điều gì cậu muốn, nói bất cứ điều gì cậu nghĩ và không cần lo người khác phán xét như thế nào ấy!”
“Cứ coi như tớ là một người xa lạ, giờ cậu muốn làm gì?”
Tôi đã hét rất to, nhưng chưa được ba giây đã bị Sha bịt mồm chặn lại. Trời đã về khuya, và hẳn là tôi không muốn đánh thức bố mẹ Sha cũng như những người dân khác trong xóm làng tĩnh mịch ấy. Chúng tôi nhìn nhau, ôm bụng cười.
“Ra đó là điều cậu muốn làm ở nơi xa lạ hả?”
“Dĩ nhiên là khôngggggg!” – tôi kéo dài chữ “Không” với âm lượng to hơn mức bình thường khiến Sha ngay lập tức đưa tay lên miệng ra dấu im lặng.
Tôi bắt đầu thì thầm kể cho cậu ấy những điều mình nghĩ, những dự định mơ hồ tôi vạch ra cho tương lai của mình, những tháng ngày cô đơn và buồn tẻ trước mắt nếu tôi phải về nước do visa hết hạn…
“Đan này, cậu đã bao giờ kể những chuyện này cho những người bạn của cậu nghe chưa?”
“Chưa!” – tôi cũng không biết tại sao nữa. – “Họ ở rất gần nhưng cũng rất xa tớ!”
Tôi toan đứng dậy để vào nhà thì Sha lên tiếng.
“Nếu cậu không thực sự mở lòng, ai cũng sẽ là người xa lạ mà Đan!”
Tôi từng quen rất nhiều người như thế, những người có thể dễ dàng kết thân với người lạ nhưng thường xuyên đánh mất sợi dây gắn bó với những người đã quen. Tôi chỉ không biết, mình là một người trong số đó.
***
Ngoài thời gian ở trang trại cà phê, thi thoảng Sha chạy xe máy chở tôi lên thị trấn, nơi có cửa hàng bán cà phê rang và xay của một người họ hàng. Sau khi thu hoạch, phơi và phân loại cà phê, người ta sẽ tiến hành rang cà phê. Cà phê chưa rang thường có màu xanh ngọc, rang miết tới khi nhiệt độ tăng lên 400 độ C thì dầu bắt đầu chảy ra từ các hạt, mang lại mùi thơm đặc trưng cho các mẻ cà phê rang. Tôi và Sha thường ghé cửa hàng mỗi buổi sáng Chủ nhật, khi chủ cửa hàng cũng là chị họ của Sha bắt đầu rang cà phê trước sự chứng kiến của khách hàng. Nghĩ đơn giản, tôi đề nghị chị để tôi phụ giúp nhưng chị đã khéo léo từ chối. Sha nói nhỏ vào tai tôi “Tưởng đơn giản mà khó lắm đó nghen. Nếu ai rang chưa quen, tay chưa đều, cà phê sẽ bị cháy hoặc không còn thơm mùi dầu cà phê nữa”
Một người ngoại đạo như tôi nhìn vào chỉ thấy một chiếc chảo nặng, một chiếc xẻng gỗ để xào xáo cà phê. Nhưng với những người sành cà phê như người dân vùng này, rang cà phê là cả một nghệ thuật. Sau khi rang, người ta thường phải đợi chừng 36 tiếng đồng hồ mới có thể xay. Tôi rất thích cảm giác bột cà phê mịn màng chảy qua kẽ tay, nghe mùi âm ấm của cà phê mới xay xông lên cánh mũi,…
Thi thoảng, mẹ Sha cũng rang và xay cà phê ở nhà. Cái cách bác rang cà phê tỉ mẩn và cẩn trọng đến mức đã có lúc tôi bật cười với ý nghĩ của mình, rằng biết đâu bác có thể đếm được số hạt cà phê trong chảo ấy chứ. Thành quả của mẻ xay cà phê đầu tiên, bác cho vào một chiếc hộp kín rồi đưa cho tôi.
“Cất đi, sau này mang về làm quà cho bố mẹ con!”.
Tôi sống xa bố mẹ từ những năm tháng học cấp Hai, bán trú tại trường. Cấp Ba và Đại học, tôi ở nội trú trong KTX của trường nên cũng đã quen với cuộc sống độc lập, học cách tự chăm sóc mình khi không có bố mẹ ở bên. Tôi kiếm việc làm thêm, độc lập về mặt tài chính, lang thang đây đó, chỉ thỉnh thoảng mới gọi điện về nhà. Tôi dần trở nên xa cách với bố mẹ mình, xa đến mức tôi xa nhà đã lâu nhưng rất ít khi cảm thấy nhớ.
“Con một mình lang thang nơi xứ lạ thế này, chắc bố mẹ con cũng lo lắm nhỉ?”.
“Dạ không đâu ạ! Bố mẹ con đơn giản lắm! Miễn sao con kiếm đủ tiền tự nuôi sống bản thân thì con có thể đến bất cứ đâu, sống bao lâu cũng được, bố mẹ nhất định không can thiệp!” – Tôi trả lời, nhớ đến những lần nói chuyện hiếm hoi giữa tôi và bố mẹ trong hơn hai tháng gần đây.
“Bố mẹ ủng hộ lựa chọn của con nên tỏ ra lãnh đạm để con có thể nhẹ lòng bước đi vậy thôi! Chứ bố mẹ nào mà không muốn con mình ở gần, bố mẹ nào lại muốn con mình lang thang xứ lạ chật vật khó khăn cơ chứ!”.
Tối hôm ấy, tôi bấm số gọi điện cho bố, kể về cuộc sống bên này. Tôi nói đùa, về Việt Nam thất nghiệp, con nhất định sẽ ăn bám bố mẹ. Bố bảo: “Mỏi chân thì về, con nhé! Bố mẹ nuôi con hai mươi năm trời, chẳng lẽ không thể nuôi con thêm nhiều năm nữa!”.
Sha ngồi cạnh, cậu ấy không hiểu tiếng Việt. Nhưng giây phút tôi gần như bật khóc ấy, Sha đã xoa đầu tôi như một đứa trẻ. Có lẽ cậu ấy hiểu, có lẽ không. Nước mắt tôi cứ lăn dài trên má. Tôi không biết mình đã lãng phí bao nhiêu thời gian miết mải tìm kiếm những điều xa lạ mà không biết thương yêu luôn ở ngay bên mình.
***
Công cuộc rải CV và phỏng vấn qua Skype cuối cùng cũng mang lại kết quả. Tôi được nhận vào vị trí hướng dẫn viên cho một công ty du lịch. Tôi không chuyển về thành phố mà sống ở trang trại của gia đình Sha. Những lúc cần dẫn tour, tôi bắt tàu lên thành phố từ đêm hôm trước. Cuối tháng, tôi đưa mẹ Sha một khoản tiền nho nhỏ. Đó là khoản tiền đầu tiên tôi đưa bác kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến trang trại cà phê. Bác từ chối, không nhận. Tôi phải mè nheo “dọa” nếu bác không nhận, tôi sẽ dọn đồ về thành phố ở, bác mới thôi lắc đầu.
Nhận được tháng lương thứ hai, tôi mua vé máy bay về thăm nhà. Hà Nội đã vào mùa lạnh, nhưng đất trời ở KL vẫn vàng ươm màu nắng. Lúc tiễn tôi ra sân bay, bác gái đưa tôi một chiếc khăn mỏng.
“Sha bảo ở nhà con mùa này lạnh lắm, quàng tạm chiếc khăn này trong lúc chờ người nhà đến đón, kẻo ốm, biết chưa? Là hướng dẫn viên du lịch, chăm sóc bao nhiêu hành khách mà vẫn không biết tự bảo vệ chính mình thế hả?”.
Tôi dành toàn bộ những ngày ở Việt Nam của mình để trò chuyện, ăn uống với bố mẹ, lang thang với vài người bạn cũ. Những câu chuyện của những người bạn lâu ngày chưa gặp, những lời quan tâm hỏi han khiến khoảng thời gian gần nửa năm qua dường như chưa từng tồn tại. Tôi ngồi giữa phố phường Hà Nội, chợt thấy nhớ KL vô chừng, với một niềm biết ơn vô hạn dành cho những con người nơi ấy, những người xa lạ đã dạy tôi cách mở lòng với chính người người thân thuộc của mình.
***
Xuống đến sân bay của KL, tôi lên xe buýt của hãng máy bay mà không biết rằng xe chỉ chạy trên vài tuyến đường chính. Chiếc xe dừng hẳn khi tia nắng cuối cùng biến mất còn tôi chẳng biết chính xác mình đang ở chỗ nào. Sha kêu tôi gửi định vị GPS cho cậu, rồi bảo.
“Dù cậu ở đâu, cứ ở yên đó!”.
Đó là điều Sha thường nói với tôi mỗi lần tôi đi lạc trong làng và thị trấn. Thật lạ lùng cách cậu ấy nhanh chóng tìm ra tôi sau đó. Vài anh chị cùng công ty thắc mắc hỏi tại sao tôi ở trọ xa trung tâm như thế, tôi lắc đầu phủ nhận. Đã từ lâu tôi không coi đó như một căn gác trọ.